Đăng kiểm ô tô là gì? Thời hạn, chi phí, giấy tờ và các bước chuẩn bị để đăng kiểm ô tô

Đăng kiểm xe là một việc làm cần thiết và bắt buộc đối với tất cả các loại xe ô tô khi tham gia giao thông. Trên thực tế, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu đăng kiểm là gì và đăng kiểm xe có tác dụng gì?

 

1. Đăng kiểm ô tô là gì? Tác dụng của đăng kiểm ô tô

Đăng kiểm xe là một hình thức do cơ quan chuyên ngành kiểm định về chất lượng xe có đảm bảo chất lượng hay không. Hiện nay, mỗi tỉnh thành phố đều có một hoặc nhiều trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Công việc đăng kiểm sẽ gồm việc kiểm tra toàn bộ máy móc trong và ngoài của xe xem có đạt tiêu chuẩn hay không để đảm bảo an toàn cho người lái và cả những người tham gia giao thông khác.

Có thể nói, mục đích quan trọng nhất của việc đăng kiểm đó là kiểm tra mức độ an toàn của phương tiện vận tải. Điều này cũng nhằm giúp giảm tránh gây rủi ro trong quá trình lưu thông trên đường cho tất cả mọi người. Đó cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ của bạn đối với bản thân cũng như cho những người xung quanh bạn.

Đăng kiểm xe ô tô là việc làm cần thiết và bắt buộc. Đừng sợ tốn chút ít phí hay mất thời gian mà bỏ qua việc đăng kiểm xe này để rồi có thể gây nguy hại cho người tham gia giao thông hoặc bị xử phạt.

 

2. Thời hạn đăng kiểm ô tô

Kể từ ngày 01/10/2021, quy định về đăng kiểm xe ô tô được áp dụng theo Thông tư 16/2021/TT-BGTVT như sau:

Ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải:

  – Chu kỳ đăng kiểm lần đầu: 30 tháng

  – Chu kỳ đăng kiểm định kỳ với xe sản xuất dưới 7 năm: 18 tháng

  – Chu kỳ đăng kiểm định kỳ với xe sản xuất từ 7 – 12 năm: 12 tháng

– Chu kỳ đăng kiểm định kỳ với xe sản xuất trên 12 năm: 6 tháng

 

Ô tô chở người các loại đến 09 chỗ có kinh doanh vận tải:

  – Chu kỳ đăng kiểm lần đầu với xe sản xuất đến 05 năm không cải tạo: 24 tháng

  – Chu kỳ đăng kiểm định kỳ xe sản xuất đến 05 năm không cải tạo: 12 tháng

  – Chu kỳ đăng kiểm định kỳ xe sản xuất trên 05 năm không cải tạo: 6 tháng

  – Chu kỳ đăng kiểm lần đầu với xe có cải tạo: 12 tháng

  – Chu kỳ đăng kiểm định kỳ với xe có cải tạo: 6 tháng

Ô tô chở người các loại trên 09 chỗ:

  – Chu kỳ đăng kiểm lần đầu với xe không cải tạo: 18 tháng

  – Chu kỳ đăng kiểm lần đầu với xe có cải tạo và không cải tạo: 12 tháng

  – Chu kỳ đăng kiểm định kỳ với xe không cải tạo: 6 tháng

*Xe có cải tạo là xe đã được thay đổi tính năng sử dụng, thay đổi trong các hệ thống như: hệ thống lái, hệ thống phanh, hệ thống treo, hệ thống truyền lực…

 

Ô tô tải các loại, ô tô chuyên dụng, ô tô đầu kéo:

  – Chu kỳ đăng kiểm lần đầu: 24 tháng

  – Chu kỳ đăng kiểm định kỳ với xe sản xuất dưới 7 năm: 12 tháng

  – Chu kỳ đăng kiểm định kỳ với xe sản xuất trên 7 năm: 6 tháng

– Chu kỳ đăng kiểm định kỳ với xe sản xuất trên 20 năm: 3 tháng

 

Ô tô rơ moóc, sơmi rơ moóc:

  – Chu kỳ đăng kiểm lần đầu: 24 tháng

  – Chu kỳ đăng kiểm định kỳ với xe sản xuất dưới 12 năm: 12 tháng

  – Chu kỳ đăng kiểm định kỳ với xe sản xuất trên 12 năm: 6 tháng

*Lưu ý:

  – Chu kỳ lần đầu chỉ áp dụng với xe chưa qua sử dụng kiểm định lần đầu trong thời gian 2 năm kể từ năm sản xuất.

  – Số chỗ trên ô tô chở người bao gồm luôn cả người lái.

 

3. Chi phí đăng kiểm ô tô

Căn cứ Biểu giá dịch vụ ban hành kèm theo Thông tư 238/2016/TT-BTC, mức giá dịch vụ kiểm định đối với xe cơ giới đang lưu hành như sau:

Loại phương tiện

Phí kiểm định (nghìn đồng)

Lệ phí cấp chứng nhận (nghìn đồng)

Xe tải, đoàn ôtô (ôtô đầu kéo, sơmi rơ-moóc), có trọng tải trên 20 tấn và các loại ôtô chuyên dụng.

560

50

Xe tải, đoàn ôtô (ôtô đầu kéo, sơmi rơ-moóc), có trọng tải đến 20 tấn và các loại ôtô chuyên dụng.

350

50

Ôtô tải có trọng tải trên 2 tấn đến 7 tấn.

320

50

Ôtô tải có trọng tải đến 2 tấn.

328

50

Máy kéo bông sen, công nông và các loại vận chuyển tương tự.

180

50

Rơ-moóc và sơmi rơ-moóc.

180

50

Xe khách trên 40 ghế (kể cả lái xe), xe buýt.

350

50

Xe khách từ 25 đến 40 ghế (kể cả lái xe).

320

50

Xe khách từ 10 đến 24 ghế (kể cả lái xe).

280

100

Xe dưới 10 chỗ.

240

50

Xe cứu thương.

240

50

Kiểm định tạm thời (tính theo % giá trị phí của xe tương tự).

100%

70%

 

Lưu ý: Những xe cơ giới kiểm định không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phải bảo dưỡng sửa chữa để kiểm định lại. Giá các lần kiểm định lại được tính như sau:

  – Nếu việc kiểm định lại được tiến hành cùng ngày (trong giờ làm việc) với lần kiểm định đầu tiên thì: Miễn thu đối với kiểm định lại lần 1 và 2; kiểm định lại từ lần thứ 3 trở đi mỗi lần kiểm định lại thu bằng 50% mức giá quy định tại bảng trên.

  – Việc kiểm định lại được tiến hành sau 01 ngày và trong thời hạn 07 ngày (không kể ngày nghỉ theo chế độ) tính từ ngày kiểm định lần đầu, mỗi lần kiểm định lại thu bằng 50% giá quy định tại bảng trên.

  – Nếu việc kiểm định lại được tiến hành sau 07 ngày (không kể ngày nghỉ theo chế độ) tính từ ngày kiểm định lần đầu thì giá kiểm định được tính như kiểm định lần đầu.

  – Kiểm định xe cơ giới để cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (có thời hạn không quá 15 ngày) thu bằng 100% giá quy định tại bảng trên.

  – Kiểm định mang tính giám định kỹ thuật, đánh giá chất lượng theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân được thu với mức giá thỏa thuận nhưng không vượt quá ba (03) lần mức giá quy định tại bảng trên.

Ngoài ra, nếu bạn không đăng kiểm hoặc quá hạn đăng kiểm thì sẽ chịu phạt phí theo quy định. Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, mức phạt lỗi quá hạn đăng kiểm ô tô được quy định như sau:

Lỗi quá hạn đăng kiểm dưới 1 tháng:

  – Mức phạt đối với lái xe: 2 – 3 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng.

  – Mức phạt đối với chủ xe: 4 – 6 triệu đồng với chủ xe là cá nhân, 8 – 12 triệu đồng với chủ xe là tổ chức.

 

Lỗi quá hạn đăng kiểm trên 1 tháng:

  – Mức phạt đối với lái xe: 4 – 6 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng.

  – Mức phạt đối với chủ xe: 6 – 8 triệu đồng với chủ xe là cá nhân, 12 – 16 triệu đồng với chủ xe là tổ chức.

Trong trường hợp chủ xe cũng là người điều khiển xe thì mức phạt tiền áp dụng như đối với chủ xe, đồng thời chủ xe cũng bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng.

 

4. Giấy tờ và các quy trình đăng kiểm ô tô

Đăng kiểm xe ô tô là hình thức các chuyên gia tiến hành kiểm tra tổng thể từ trong ra ngoài để đảm bảo xe đạt tiêu chuẩn lưu thông an toàn và không gây ô nhiễm môi trường. Quy trình đăng kiểm lần đầu với xe mới cũng không quá phức tạp, và chủ xe cũng hoàn toàn có thể tự làm mà không cần qua dịch vụ:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

  – CMND chủ xe photo 3 bản (Đem theo bản chính).

  – Hộ khẩu chủ xe Photo 3 bản (Đem theo bản chính).

  – Tờ khai công an về đăng ký xe 2 bản chính theo mẫu quy định.

  – Giấy tờ xe bộ gốc (hóa đơn VAT, giấy xuất xưởng, kiểm định, chứng nhận môi trường).

– Cà số khung, số máy, Tờ khai thuế trước bạ (Theo mẫu qui định).

  – Bảo hiểm trách nhiệm dân sự 1 bản chính.

 

Bước 2: Đóng thuế trước bạ

  – Tờ khai thuế trước bạ 2 bản chính (Theo mẫu qui định, điền đúng, đầy đủ).

  – Giấy tờ xe nguyên bộ (hóa đơn VAT, giấy xuất xưởng, kiểm định, chứng nhận môi trường … (1 Bản photo).

  – Tiền đóng thuế trước bạ: Tùy theo loại xe và địa phương mà mức đóng khác nhau: Xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, thuế trước bạ là 10%/tổng giá trị xe (Hà Nội 12%). Trên 9 chỗ ngồi/xe tải/các loại xe khác, thuế trước bạ là 2% /tổng giá trị xe).

  – Biên lai nộp thuế: Bản chính, lấy từ kho bạc.

 

Bước 3: Đăng ký xe

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ bên trên, chủ sở hữu xe xuất trình lên phòng CSGTĐB theo quy trình: Nộp hồ sơ -> Chờ kiểm tra xe -> Nộp tiền lệ phí đăng ký -> Bốc số tự động -> Lấy biển số -> Giấy hẹn nhận giấy đăng ký xe.

Bước 4: Đăng kiểm xe

Chủ xe đưa xe đến trạm đăng kiểm được Bộ Giao Thông vận tải cấp phép, đồng thời nộp hồ sơ gồm các giấy tờ sau:

  – Bản chính đăng ký xe hoặc một trong các giấy tờ còn hiệu lực sau: bản sao đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng đang cầm giữ, bản sao đăng ký xe có xác nhận của tổ chức cho thuê tài chính, giấy hẹn cấp đăng ký xe.

  – Giấy tờ chứng minh nguồn gốc phương tiện (đối với phương tiện kiểm tra lập Hồ sơ phương tiện) gồm 1 trong các giấy tờ sau: Bản sao phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước; Bản sao có chứng thực quyết định tịch thu bán đấu giá của cấp có thẩm quyền đối với xe tịch thu bán đấu giá; Bản sao có chứng thực quyết định thanh lý đối với xe của lực lượng quốc phòng, công an; Bản sao có chứng thực quyết định bán xe dự trữ quốc gia.

  – Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cải tạo (đối với xe mới cải tạo).

  – Bản chính giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe còn hiệu lực.

  – Thông tin về tên đăng nhập, mật khẩu truy cập và địa chỉ trang Web quản lý thiết bị giám sát hành trình đối với xe thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình.

 

5. Một số lưu ý khi đăng kiểm ô tô

Như đã đề cập, đăng kiểm xe hơi là một thủ tục bắt buộc định kỳ để đảm bảo an toàn cho bạn cũng như những người khác khi lưu thông trên đường. Vì tính chất quan trọng của nó nên bạn cần phải nắm vững những lưu ý sau, đặc biệt là "lái mới" để không phải lúng túng, khó khăn dẫn đến mất tiền oan.

Một số lỗi khi đăng kiểm:

Với những lỗi này, xe sẽ không vượt qua được bài kiểm tra: lỗi phanh, đèn, còi, màu sơn, thay đổi chiều dài, rộng, cao, lỗi tự ý thay đổi thông số lốp (ví dụ thay vành 17 inch thành 18 inch); tự ý lắp thêm đèn không đúng trong quy chuẩn như LED bar, còi hụ, đèn nháy (nếu không phải là xe ưu tiên); xe không đủ điều kiện về khí thải hay có lỗi trong hệ thống thước lái, vô-lăng.

Cũng có một số lỗi nhẹ sẽ được đăng kiểm và về khắc phục sau: ví dụ lỗi hệ thống điều hòa, lốp mòn, hay lỗi một số hệ thống liên quan đến tính năng mở rộng của xe như cảnh báo điểm mù, cảm biến.

Ô tô "độ" có được đăng kiểm?

Một số bộ phận được nâng cấp mà không ảnh hưởng đến đăng kiểm như camera lùi, cảm biến, camera hành trình, màn hình, loa trong xe, thay đổi đèn từ nguyên bản sang đèn projector hay LED nhưng vẫn đảm bảo quy chuẩn về ánh sáng.

Những kiểu nâng cấp không được chấp nhận, theo Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ: phạt 800.000 – 1.000.000 đồng nếu tài xế điều khiển xe lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe.

Xe lắp thêm đèn được hiểu là những loại đèn không đúng quy chuẩn như phía trên, chứ không giới hạn việc nâng cấp đèn để tăng hiệu quả chiếu sáng, nhưng cần lưu ý việc tăng sáng này phải theo quy chuẩn của cục đăng kiểm và không ảnh hưởng đến người đi đường. Thực tế, đăng kiểm không xử phạt việc độ bóng cho đèn pha.

 

Thời gian đăng kiểm ô tô là bao lâu?

Xếp xe (1-3 phút), vào làm hồ sơ (5 phút), chờ xe (15-20 phút) + nộp phí và chờ tem. Thông thường quy trình này sẽ là khoảng 30 phút nhưng sẽ thay đổi phụ thuộc vào lượng xe và thời gian chờ tại mỗi trạm.

Lưu ý: nên đóng phí bảo trì đường bộ trùng với thời hạn đăng kiểm, tránh lãng phí hoặc chưa hết hạn đăng kiểm đã hết phí bảo trì. Kiểm tra tình trạng xe trước khi đăng kiểm, chuẩn bị đủ giấy tờ theo quy định, tìm điểm đăng kiểm phù hợp. Hiện nay, một số xe sẽ không được đăng kiểm nếu không đóng phí phạt nguội theo quy định. Với xe thay đổi kết cấu sẽ phải làm hoán cải, đăng kiểm lại và thay đổi đăng ký.

Bên trên là một số gợi ý giúp bạn tham khảo về quy trình, thời hạn và những hình thức xử phạm đối với việc đăng kiểm xe. Sẽ không quá khó nếu bạn cẩn thận kiểm tra, bảo dưỡng và chuẩn bị kỹ giấy tờ trước khi đi đăng kiểm. Việc này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí rất nhiều.

 

Một năm mới 2023 đã đến với nhiều hứa hẹn, thách thức và cơ hội. Triệu Vũ chân thành cảm ơn Quý khách hàng – Đối tác gần xa luôn ủng hộ các sản phẩm và dịch vụ của Triệu Vũ trong những năm vừa qua. Hy vọng Khách hàng và Đối tác sẽ tiếp tục đồng hành cùng Triệu Vũ trên những chặng đường phía trước, không chỉ trong 2023-2024-2025 mà còn xa hơn thế nữa.

Công ty TNHH MTV Thiết bị Kỹ thuật Triệu Vũ – Đơn vị cung cấp Seal niêm phong – Thiết bị thùng hóa chất hàng đầu Việt Nam.

Follow fanpage & website Triệu Vũ Company để nhận những thông tin mới nhất!

Đánh giá cho bài viết




Thông báo

Banner khuyến mãi